Xuân Bắc: “Con tôi không được như con người khác”

Xuân Bắc chia sẻ rằng vì anh quá bận rộn nên các con anh đôi khi có nhiều sự thiệt thòi.

Xuân Bắc chia sẻ rằng vì anh quá bận rộn cho những vở diễn nên con anh đôi khi thiệt thòi hơn con nhà người khác. Tuy nhiên, anh cũng bù đắp lại cho con bằng những việc dạy dỗ, giáo dục rất tâm lí và văn minh.
 

Nam NSƯT cũng chia sẻ về những nỗ lực của anh và bạn thân Tự Long trong việc cố gắng mang đến những sản phẩm tinh thần giá trị cho trẻ em.

Show diễn của tôi và Tự Long, nhiều khi chỉ đủ tiền điện”

- Tôi thấy anh đầu tư khá nhiều công sức cho vở kịch sắp tới cùng Tự Long. Ở vị trí của anh bây giờ mà bảo anh dồn tâm huyết để kiếm tiền từ những vở kịch công phu như thế, e rằng có gì đó hơi… sai sai?

Tôi và Tự Long bên nhau hơn 20 năm nay rồi và lí do để chúng tôi thực hiện những dự án như Ngọc rồng chủ yếu xuất phát từ trách nhiệm và “duyên nợ với trẻ em”. Năm nào chúng tôi cũng có những chương trình dành cho trẻ em vào dịp Tết thiếu nhi. Là một người nghệ sĩ và cũng là cha mẹ, tôi thấy mình phải có trách nhiệm và nghĩa vụ mang đến cho trẻ em những món ăn nghệ thuật, giải trí đúng nghĩa.

- Anh đề cập đến vấn đề “duyên nợ với trẻ em”. Tại sao anh cho rằng đối tượng này cần được mình chăm chút về mặt tinh thần?

Tôi thấy nhiều bậc cha mẹ bây giờ mải làm ăn nên bận bịu quá. Nghệ sĩ bận đi tập, đi diễn, nhà báo thì ngồi nghĩ đề tài, đi tiếp cận nhân vật,.. Cứ như thế mà nhiều người lớn đang quên mất gia đình của mình. Nhiều người cứ mở miệng ra rồi bảo “tôi làm điều này, điều kia vì gia đình”, thực tế không phải vậy. Chính vì thế, tôi và Tự Long đã thai nghén nhiều kịch bản khác nhau với mong muốn mang đến cho các gia đình những vở diễn hay và ấn tượng. Đó cũng là tiếng nói của những bậc làm cha mẹ.

- Như vậy, theo anh nhiều bậc phụ huynh chưa quan tâm đến đời sống tinh thần của con trẻ?

Đúng vậy, đây cũng là vấn đề mà tôi muốn đưa ra để các bậc phụ huynh quan tâm. Có nhiều bậc phụ huynh sẵn sàng bỏ ra 3 triệu, 4 triệu thậm chí là 12 triệu để mua một cặp vé đi xem ca nhạc, nhưng với một tấm vé trị giá 300 nghìn cho con đi xem kịch thì lại tiếc.

Họ nghĩ rằng: Con mình không biết thưởng thức, đấy là một sai lầm. Tôi nghĩ, các bậc phụ huynh phải tạo ra những giá trị về mặt tinh thần, thẩm mĩ cho con trẻ để từ đó hoàn thiện nhân cách cho các cháu.



Xuân Bắc chia sẻ, nhiều vở kịch của anh và Tự Long diễn chỉ đủ tiền điện.

- Thực tế như vậy nên những vở kịch như của anh và Tự Long sắp làm sẽ khó mà hot được. Anh có đắn đo và trăn trở nhiều không về chuyện tiền bạc không?

Tiền bạc thì nói thật là những show diễn này đâu có kiếm được nhiều. Nếu như cần tiền thật, tôi và Tự Long có thể nghĩ ra một vở kịch ngắn để đi diễn. Nghĩ ra vở kịch thì quá dễ vì đó là nghề của chúng tôi rồi. Chỉ cần một vở như vậy là chúng tôi có thể mang đi diễn ở khắp các trường học và thu về nhiều hơn nhiều so với đầu tư một vở kịch bài bản và công phu như Ngọc rồng.

Có nhiều show mà ekip của chúng tôi sau khi diễn xong, tiền vé thu về không đủ tiền điện. 12 cán bộ vận hành nhà hát, 8 lễ tân, điều hòa ngoài sảnh, điều hòa trong nhà, 300 mét màn hình LED. Chỉ bấy nhiêu thôi thì tiền điện cũng đã đủ “toi” rồi. Nên chúng tôi mà không chung sức thì không thể làm nổi những dự án như thế này đâu.

- Anh làm sao để có thể liên tục đối mới những vở diễn của mình, tránh gây nhàm chán cho khán giả?

Quan điểm của chúng tôi luôn sáng tạo để khán giả không thể biết trước được chúng tôi sẽ diễn mà phải đến xem rồi mới biết chúng tôi cho họ “ăn” món ăn gì. Nếu để họ biết trước họ sẽ được xem gì thì coi như hỏng rồi.

Yếu tố bất ngờ là một trong những yếu tố quan trọng để thu hút người xem, chúng tôi tung đòn ra để khán giả không kịp “trở tay thay quần áo”.

“Con tôi không được như con nhà người khác”

- Thời gian gần đây, anh cũng thành lập CLB đào tạo các diễn viên nhí. Công việc này mang đến cho anh những trải nghiệm như thế nào?

Có thể nói, ngoài nghề diễn xuất thì tôi còn một nghề nữa là làm thầy giáo. Trông thế này thôi nhưng tôi rèn luyện kỉ luật cực kì nghiêm khắc cho các học sinh của mình. Khi tôi dạy ở Câu lạc bộ XB, có 4 điều mà tôi luôn rèn các em học sinh của mình là: tập trung chú ý, kiểm soát hơi thở, huy động tưởng tượng và bộc lộ cảm xúc.

Trẻ em vốn năng động nên tôi phải rèn các em rằng phải luôn nhớ mình đang làm gì. Nhiều khi tôi rèn các em đứng im ở một góc là phải đứng im, dù bị bên ngoài tác động như thế nào. Tôi tin rằng, các bậc phụ huynh đều tin tưởng nên mới giao cho tôi những “viên ngọc” của họ để tôi rèn giũa.

- Mới đây, dư luận dậy sóng về việc một vài nghệ sĩ bị xử phạt vì cải biên phản cảm những tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng. Là một nghệ sĩ hài anh nghĩ sao?

Nói thật là tôi không thích chia sẻ hay bị “ngoắc” vào những vấn đề của đồng nghiệp đâu. Còn chuyện cải biên thì còn dựa vào cảm hứng nhiều lắm và cần phải có nhiều ý kiến nữa.

- Vậy còn chuyên làm MC mà bị lỡ lời hoặc thiếu tiết chế, anh thấy sao?

Tôi chưa bao giờ bị lỡ lời cả.



Xuân Bắc tự nhận vì mình quá bận rộn nên con cái của anh có phần thiệt thòi.

- Là một người cha của hai con trai, anh dạy con mình như thế nào?

Sẽ là hoàn toàn thất bại nếu bậc cha mẹ áp dụng một quy chuẩn nào đấy vào việc nuôi dạy con bởi nó còn phải phụ thuộc vào hoàn cảnh, môi trường và điều kiện tâm, sinh lí của trẻ nữa.

Theo cá nhân tôi, bí quyết để tiếp cận trẻ em không cách nào tốt hơn là đứng ở cương vị trẻ em. Chúng ta phải tạm quên cái thằng người lớn trong mình, hãy ngây thơ như các con. Hãy cùng đi lí giải với các con về những thắc mắc của chúng bởi trẻ con luôn năng động và chơi không biết mệt. Dù vậy, tôi vẫn là người rất nghiêm khắc với con.

- Bận rộn như vậy, anh sắp xếp thời gian dành cho con và gia đình như thế nào?

Tôi cho rằng với những ông bố tử tế thì thời gian dành cho gia đình và những đứa trẻ bao giờ cũng thiếu. Con của tôi không được như con người khác vì đặc thù công việc của bố. Nhưng điều đó cũng chưa hẳn là đã thiệt thòi.

Tôi giáo dục con mình như thế này, những ngày 1.6, thay vì được bố đưa đi chơi, xem các chương trình hay dành cho thiếu nhi thì vợ tôi sẽ làm việc đó. Nhưng bù lại, con tôi cũng có những điều mà không phải con nhà nào cũng có được. Ví dụ như việc được biểu diễn trên sân khấu hoặc có những ưu ái trong cuộc đời, như lúc bố con đi mua đồ được giảm giá, xin học… Những lúc ấy, tôi luôn bảo con được thế vì bố là người tốt, chứ không phải do bố nổi tiếng.

- Tại sao từ trước đến giờ anh rất hạn chế chia sẻ về gia đình mình?

Tôi coi gia đình là chuyện riêng và sẽ bảo vệ họ để tránh những thị phi, sóng gió.

Cảm ơn anh!
Previous
Next Post »